Bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, giò nạc, thịt đông, gà luộc… là những món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân Việt Nam.
Tết đến gia đình nào cũng vậy, dù sang hay khó cũng đều tất bật chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn, đầy đủ nhất để cúng tổ tiên, ông bà mong tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu một năm mới ấm no, hạnh phúc và để cả gia đình vui vầy sum họp ngày đầu năm. Các món ăn cổ truyền ngày Tết không chỉ đa dạng về món mà còn chú trọng về hình thức trình bày và màu sắc của món ăn.
Hãy cùng tìm hiểu những món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết để có những món ăn hấp dẫn vào những ngày sắp tới nhé!
Bánh chưng
Nhắc đến Tết không thể không nói đến bánh chưng xanh. Những tấm bánh vuông vức, được gói khéo léo, tài hoa ấy vừa tượng trưng cho đất trời, vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Dù là tự tay gói bánh, mua sẵn hay được biếu tặng, thì bánh chưng xanh cũng luôn là một món không thể thiếu của mọi nhà.
Ở miền Bắc, từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất.
Bánh chưng không chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên bếp lửa hồng. Bên nồi bánh chưng ấm áp, các thế hệ trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác.
Dưa hành, củ kiệu
Khi nhắc đến bánh chưng thì không thể bỏ qua món dưa hành, hai món ăn này có trong mâm lễ thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc. Ngoài ra, dưa hành thường được sử dụng như một món gia vị ăn kèm với bánh chưng hoặc với các loại thịt nhiều dầu mỡ như thịt đông, thịt kho tàu, thịt luộc cho đỡ ngán. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành vừa giúp tăng hương vị vừa giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn trong những ngày Tết.
Thịt đông, thịt kho tàu
Thịt đông là món đặc trưng của người Bắc bộ. Trong không khí se lạnh, thịt đông trở nên ngon và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Món này được làm từ thịt lợn ba chỉ (có thể thay bằng gà) cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ.
Theo truyền thống. sau khi nấu xong, lấy nồi thịt ra khỏi bếp và đặt ở ngoài sân, đậy kỹ cho món ăn thu lấy cái rét mướt của đất trời vào đêm. Đến sớm hôm sau đã có nồi thịt đông đẹp mắt. Tuy nhiên ngày này, người ta nấu thịt đông đơn giản hơn nhiều, dù thời tiết dịp Tết không lạnh thì cũng có tủ lạnh để hỗ trợ giúp thịt đông.
Trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam lại không thể thiếu món thịt kho hột vịt. Với ý nghĩa trên thuận dưới hòa, giàu sang phú quý, nếu thiếu món thịt thú vị này thì mâm cơm ngày Tết của người miền Nam sẽ mất đi phong vị.
Nem rán
Nem rán một món ăn không chỉ quen thuộc trong bữa cơm gia đình hàng ngày mà còn là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết truyền thống miền Bắc. Những miếng nem được chiên vàng với lớp vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong có thịt, trứng, mộc nhĩ, giá thơm mềm. Nước chấm nem rán phải pha chế thật ngon, khéo điều hòa các vị mặn, ngọt, chua, cay quyện vào nhau cho đậm đà tròn vị.
Thịt gà
Một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán phải kể đến món thịt gà. Với người miền Bắc, miền Trung thì hầu hết mâm cỗ nào cũng phải có đĩa thịt gà. Người ta tin rằng, món ăn này dâng lên trời đất ngày đầu xuân năm mới sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, may mắn đong đầy. Khi ăn thịt gà với những miếng vàng tươi, cần thêm vào đó là một chén muối tiêu với lá chanh thái nhỏ sẽ tạo nên một hương vị đặc trưng và ngon tuyệt vời.
Giò lụa
Được biết đến như một món ăn vừa thông dụng vừa sang trọng, giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết. Giò lụa truyền thống được làm từ 3 nguyên liệu chính là thịt nạc thăn giã nhuyễn kết hợp cùng nước mắm ngon sau đó gói trong lá chuối xanh và đem luộc chín. Khi bày cỗ, giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng, trông đẹp mắt và dễ gắp.
Canh măng
Ngày Tết mà không nhắc đến canh măng thì quả thật là điều vô cùng sai sót. Có rất nhiều loại măng khác nhau như măng xé, măng lá… thế nhưng măng lưỡi lợn là lựa chọn thường thấy nhất trong mâm cỗ ngày Tết. Những miếng măng dày, ngon được ngâm nước qua đêm, nấu trong nước chân giò béo ngậy hoặc cổ, cánh, chân gà… sẽ mang đến một mâm cỗ trọn vẹn.
Ở miền Nam, món canh khổ qua lại tâm điểm. Món canh nấu từ thịt băm có vị thanh mắt kèm với vị đăng đắng của quả mướp đắng (khổ qua) với ý nghĩa một năm nhiều vất vả, cay đắng sẽ qua đi. Tiễn “khổ qua” để đón năm mới nhiều may mắn, tài lộc.
Xôi
Xôi là một món ăn rất phổ biến trong đời sống của nền văn hóa lúa nước với nguyên liệu chính là gạo, đỗ, lạc…được mang đi đồ hoặc hấp chín. Món xôi thường được ăn nóng, gạo chín dẻo thơm không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Và trong dịp lễ Tết của người Việt, món xôi được ưa chuộng nhất là xôi gấc. Khi đồ xôi cùng gấc chín sẽ cho ra một màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt. Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ từ xôi gấc sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới.
Ở mỗi vùng miền, người dân Việt Nam lại có những món ăn đăng trưng tùy thuộc vào phong tục và sản vật đại phương. Ở mâm cơm Tết miền Bắc, gà luộc, canh măng, banh chưng nem rán, giò lụa là những món ăn cơ bản không thể thiếu. Trong khi đó, tương ứng ở miền Nam sẽ là các món ăn đặc trưng như bánh tét, củ kiệu, thịt kho trứng vịt, mướp đắng nhồi thịt, lạp xưởng… Trong khi đó, bánh tét, chả bò, nem chua, thịt ngâm nước mắm, tôm chua… là những món ăn truyền thống của người dân miền Trung.